Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Tiết Kiệm Hiệu Quả Với Công Thức Toán Học Đơn Giản

Ở bài viết này, chúng ta cùng nhau xem xét cách lập công thức tiết kiệm sao cho hiệu quả nhất. Tất nhiên, công thức tiết kiệm nếu xét về toán học thì rất đơn giản và chẳng có gì cần phải bàn cả. Nhưng các công thức đơn giản này ẩn chứa sự khác biệt không hề nhẹ về mặt ý nghĩa trong cuộc sống thực tế.
Dưới đây có phải đây là công thức tiết kiệm mà bạn đang áp dụng không?

Thu nhập - Chi tiêu = Tiết kiệm
Nếu bạn nói công thức này là ĐÚNG. Tôi cũng không phủ nhận nó là SAI nhưng mà thú thật thì nó đã lỗi thời rồi và rất kém hiệu quả.

Tại sao lại thế?

Bởi vì nếu chúng ta làm theo cách này thì khoản tiết kiệm của bạn hoàn toàn bị động. Bạn còn chẳng biết là mình sẽ còn bao nhiêu tiền để mà tiết kiệm nữa. Có thể bạn sẽ chẳng còn đồng nào cả vì cứ thoải mái chi tiêu theo thói quen trước khi tiết kiệm. Thậm chí bạn có thể chi tiêu bằng hoặc lớn hơn cả mức thu nhập của mình.

Vậy lập công thức như thế nào cho hiệu quả hơn? Rất đơn giản thôi, bạn chỉ cần hoán đổi vị trí của Chi tiêu và Tiết kiệm cho nhau là xong. Khi đó, chúng ta sẽ có công thức mới, đó là:

Thu nhập - Tiết kiệm = Chi tiêu 
Đây chính là công thức mà tôi muốn nói đến. Công thức này giúp cho bạn được chủ động hoàn toàn với khoản tiền mà bạn dự định sẽ tiết kiệm.

Tại sao lại thế?

Đơn giản là bạn luôn phải nghĩ đến việc Tiết kiệm trước rồi mới Chi tiêu sau nếu áp dụng công thức này. Và theo tôi, bạn cũng chỉ cần giữ lại từ 10 đến 20% thu nhập của mình hàng tháng mà thôi.

Vấn đề quan trọng là Bạn thực hiện công thức này được bao lâu? Vâng, nếu bạn duy trì được một thời gian tầm 5 năm, 10 năm, hoặc lâu hơn nữa càng tốt, tôi tin là khi đó bạn sẽ có một khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với thu nhập của bạn vào thời điểm đó.

Nhiều người cho rằng, nếu Tiết kiệm trước rồi mới Chi tiêu thì sẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Chắc bạn cũng có suy nghĩ như vậy? Hãy yên tâm bởi khi bạn áp dụng công thức mới này thì ý thức tiết kiệm của bạn sẽ cao hơn vì bạn biết rằng mình phải làm gì và chỉ được chi tiêu bao nhiêu thôi. Ban đầu sẽ cảm thấy khó thực hiện, nhưng rồi bạn sẽ hình thành được thói quen này thôi. Vạn sự khởi đầu nan mà. Việc tốt không dễ dàng làm được luôn và ngay, bạn có công nhận không? Hãy kiên trì nhé, chỉ mất 1 thời gian ngắn thôi.

Hầu hết chúng ta đang rất lãng phí trong sinh hoạt hàng ngày mà có thể chúng ta không biết. Rất nhiều bữa ăn thừa thãi thức ăn không sử dụng hết và phải cất vào tủ lạnh. Dần rồi những thứ bạn cho vào tủ lạnh sẽ ngày càng nhiều lên, tất nhiên sẽ có một phần không nhỏ lại phải bỏ vào thùng rác. Đã khi nào bạn mua sắm rất nhiều thứ trong lúc đi du lịch mà về nhà bạn không còn dùng đến nữa chưa?...!!!

Cứ cho là lỗi không phải tại bạn đi? Chỉ tại lý do mà bạn Chi tiêu trước và Tiết kiệm sau đó thôi.

Nếu xét về mặt toán học thì 2 công thức trên đây chỉ là 2 biểu thức tương đương với nhau. Nhưng áp dụng vào cuộc sống thực tế lại có ý nghĩa rất khác nhau. Bạn hãy thử một cách tương tự với công thức dưới đây nhé:

Gạo + Nước + Lửa = Cơm
Nhưng nếu hoán đổi thành:

Gạo + Lửa + Nước = ???
(Có thể đây là món Canh gạo rang)

Nếu bạn thấy tôi nói đúng thì hãy thay đổi công thức tiết kiệm của bạn ngay từ bây giờ đi!

Và nhớ chia sẻ cho bạn bè của mình cùng biết nhé!

Nguồn : Taichinhcuatoi

Nghệ Thuật Từ Chối Cho Mượn Tiền

Trong cuộc sống, sẽ có lúc bạn gặp phải tình huống một người nào đó ngỏ lời nhờ bạn cho mượn tiền. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể sẵn sàng giúp đỡ nếu họ không có lý do thực sự chính đáng và thuyết phục. Bạn cảm thấy thật khó để nói câu từ chối. Phải làm sao đây?
Từ chối khéo sẽ giúp cho bạn không đánh mất những mối quan hệ cũng như tránh được những rắc rối, đồng thời cũng không làm cho người muốn mượn tiền bạn cảm thấy khó chịu và mất mặt. Sau đây là một số cách từ chối cho mượn tiền một cách khéo léo:

Nói khéo
Để từ chối cho mượn tiền thì cách đơn giản và phổ biến nhất là nói khéo rằng mình đã hết tiền vì phải mua một vật dụng gì đó hay đóng những khoản tiền cần thiết cho gia đình. Chị Ngọc Linh (Q. Tân Bình) cho biết: “Khi muốn từ chối cho mượn tiền, mình thường lấy lý do là vừa đóng tiền điện tháng này hay là vừa mua chiếc máy quạt mới, hay dành tiền để mua quà sinh nhật cho ông xã,… nên hết tiền, không cho mượn được. Nói như thế thì bạn mình cũng tỏ ra thông cảm và hiểu cho mình hơn.” Tuy nhiên, khi dùng cách này, bạn phải đưa ra một lý do hết tiền thật chính đáng và không nên lặp lại cách này quá nhiều lần.

“Sao chị không nói sớm?...”
Từ chối theo cách này yêu cầu bạn phải thật khéo léo và tỏ ra “thành thật”. Nếu bạn bè hay đồng nghiệp muốn mượn tiền mà bạn chưa biết từ chối thế nào thì bạn có thể nói rằng: “Sao chị không nói sớm, em vừa cho chị A mượn tiền rồi!” đồng thời tỏ ra tiếc nuối vì không thể giúp đỡ người đó. Với cách làm này thì người đó không thể trách bạn “keo kiệt” vì không phải bạn không muốn cho mượn tiền mà chỉ là bạn đã cho người khác mượn rồi.

Than vãn
Với một số người hay mượn tiền bạn mà bạn biết trước người đó sắp ngỏ lời mượn tiền thì bạn có thể dùng cách than vãn hết tiền với chính người đó. Đây là “chiêu” từ chối cho mượn tiền mà chị Thu Hiền (Q.3) tán thành: “Với những người có “sở thích” mượn tiền thì mình giả vờ than vãn hết tiền, cháy màng túi với chính người đó thì chẳng còn lý do gì để họ tiếp tục ý định mượn tiền mình. Ai lại đi mượn tiền một người đang “khổ sở” vì hết tiền!”. Nhưng bạn nên nhớ chỉ than vãn với những ai “thích” mượn tiền bạn thôi nhé, đừng áp dụng chiêu này với mọi người vì như thế sẽ khiến bạn trở thành người thích than vãn chuyện tiền nong trong mắt mọi người đấy!

[​IMG]
Giả vờ than vãn hết tiền với chính người đó thì chẳng còn lý do gì để họ tiếp tục mượn tiền mình.

“Tiền “nhà” em giữ hết rồi ...”
Cánh đàn ông thường vì ngại hay vì sĩ diện nên không biết từ chối thế nào cho khéo khi bạn bè, đồng nghiệp muốn mượn tiền. Cách dễ dàng và tránh làm mất lòng nhất là nói với người muốn mượn tiền bạn rằng: “Em muốn giúp anh lắm nhưng tiền “nhà” em giữ hết rồi. Anh thông cảm nhé!” Phụ nữ thường là người quản lý tiền bạc trong gia đình nên người bạn đó sẽ không thể “bắt bẻ” gì khi bạn đưa ra lý do này. Và tất nhiên là người bạn của bạn chẳng dại gì mà “làm phiền” đến “nhà” bạn để mượn tiền đâu!

Vỏ quýt dày, móng tay nhọn
Với những người thường xuyên mượn tiền mà không hề thấy ngại khiến bạn cảm thấy khó chịu thì bạn nên tìm cách thay đổi “tâm lý” này. Bạn có thể giả vờ để quên ví trong lúc đi ăn chung với người đó và mượn tiền người đó để thanh toán. Ngay sau đó, bạn hãy hoàn trả lại số tiền đã mượn trong thời gian sớm nhất kèm theo lời “nhắn nhủ”: “Phiền bạn quá, mình ngại nhất là mượn tiền của người khác. Cảm giác như đang làm phiền người khác vậy! Cảm ơn bạn nhé!” Có thể người bạn của bạn sẽ phải thay đổi cách suy nghĩ và hạn chế mượn tiền bạn hơn.

[​IMG]

Đừng tỏ ra “cần là có”
Mượn tiền đôi khi là một “thói quen” của ai đó nhưng cũng có khi thói quen đó hình thành dựa trên cách cư xử không khéo léo của bạn. Để tránh việc thường xuyên bị mượn tiền và không phải “nát óc” nghĩ cách từ chối sao cho không mất lòng thì bạn không nên biến mình thành nơi mượn tiền “cần là có” và cho mượn quá dễ dàng. Khi mượn tiền quá dễ dàng thì “nguy cơ” bạn tiếp tục bị mượn tiền là rất cao. Từ chối một cách khéo léo và hợp lý sẽ khiến bạn tránh được những rắc rối không cần thiết.

Nguồn : Taichinhcuatoi

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

Muối Mặt Vì Vợ Quá Thật Thà

Lưu đứng sau lưng vợ, anh hốt hoảng phải bịt lại miệng Cúc mặc cho cô giãy nảy lên đĩa phải vôi.
Trong khi có bao nhiêu cô gái vây quanh thì Lưu lại chọn Cúc làm người bạn đời của mình. Cúc xinh xắn, thật thà, không ưỡn ẹo và mồm mép mà chân chất đúng kiểu thôn quê. Chính những vẻ đẹp mộc mạc ấy đã làm cho Lưu say như điếu đổ để anh quyết định nguyện gắn bó với người con gái này sau 3 năm yêu nhau.

Nhưng càng sống lâu với Cúc thì Lưu đã giật mình nhận ra người vợ với bản tính thật thà nhất quả đất lại khiến anh bao phen xanh mặt, há hốc miệng. Lưu hiểu rằng thật thà không có tội nhưng thật thà quá mức như Cúc thì chỉ khiến cho thiên hạ, bạn bè và họ hàng ngày càng rời xa thôi.

Lưu nhớ có lần, anh cùng vợ về quê ăn đám cưới con trai nhà bác cả. Chả là anh con trai nhà bác ấy năm nay mới 27 tuổi nhưng vợ thì lớn hơn anh những ba tuổi. Nhìn hai người cũng khá khập khiễng vì trong chị vợ có vẻ già dặn hơn chồng. Chuyện tế nhị đó ai cũng hiểu nhưng không muốn nói ra để nói những lời chúc tụng cho cô dâu chú rể rằng đẹp đôi vừa lứa. Ấy vậy mà Cúc khi biết được việc ấy thì cô nhảy cẫng lên trong ngạc nhiên lắm. Đến lúc, cô dâu chú rể đến chúc rượu thì cô nói oang oang khi nghe một anh trong bàn khen hai người đẹp đôi. Cúc bảo rằng: “Trời đất nhìn như hai chị em ấy chứ!” câu nói thật thà quá đỗi khiến cho ai nấy đều xanh mặt còn cô dâu thì trông có vẻ tức giận lắm. Cúc chẳng bao giờ ý thức được điều nói ra sẽ tai hại như thế nào.

Dạo nọ cũng vậy khi có đám bạn của Lưu đến nhà chơi đánh cờ nhân dịp chủ nhật được nghỉ. Trong số đó có một anh bạn Lưu tính tình rất hay tự ái. Nhiều lần anh ta cứ ra mặt tự ái rồi giận dỗi ở công ty là Lưu lại đem về kể cho Cúc nghe. Sau đó, hai vợ chồng lại ôm bụng cười vì không nghĩ lại có kiểu đàn ông thích giận hờn như thế.

Đang đánh cờ vui vẻ, anh bạn kia bị thua rồi quay ra không bằng lòng với kết quả đó lại tự ái, giận dỗi. Lúc ấy, Cúc đang mang khay trà ra cho mọi người thì biết chuyện. Cô liền có hứng đọc hai câu thơ: “Con bò mà có cái u/ Đứa nào tự ái thì ngu như bò!”. Hai câu thơ nói lên sự thật của anh bạn đó lại khiến cho tất cả mọi người ngã ngửa còn anh ta thì đùng đùng bỏ về. Lưu chỉ tiếc mình không bịt miệng vợ kịp. Đã nhiều lần Lưu nhắc vợ: “Em phải cẩn thận trong phát ngôn đi chứ! Anh biết là sự thật thì không nên giấu nhưng có những sự thật thì không nên nói ra, em hiểu không?”. Cúc dạ dạ vâng vâng cho qua chuyện rồi y như rằng cô không thể nào kiểm soát được lời mình nói. Đối với Cúc thì sự thật thà không có tội, không đáng bị lên án và trừng phạt.

Có hôm, cô em gái Lưu đi Sài Gòn công tác về nên sang thăm vợ chồng anh. Chẳng là em gái Lưu khi sinh ra đã mang sẵn một vết tràm thâm trên má trái nên nhiều chàng trai rất e dè để tiếp cận cô. Biết em gái khổ tâm nên Lưu rất thương và hay quan tâm đến em ấy. Đang bấm chuông ngoài cửa, Cúc chạy vội vàng ra mở rồi phán ngay một câu xanh rời: “Ối trời, chị tưởng em vào Sài Gòn rồi tẩy luôn cái khốn khổ trên mặt đi chứ! Em mà cứ để vậy là ế như chơi”. Lưu đứng sau lưng vợ, anh hốt hoảng phải bịt lại miệng Cúc mặc cho cô giãy nảy lên đĩa phải vôi. Tất cả cũng chỉ vì cái tính thật thà quá mức không thể nào sửa được ấy. Thế là, em chồng Lưu chưa bước sang cánh cửa vào nhà đã đùng đùng quay xe chạy về nhà khóc lóc vì chị dâu vạ miệng. Lưu kéo xồng xộc Cúc vào nhà rồi hét ầm lên vì giận vợ cứ “sự thật mất lòng” thì hậu quả còn sẽ đi xa hơn nữa.

Cúc lại không ân hận mà còn quay sang đáp lại anh: “Ngày xưa anh lấy em cũng vì thích em thật thà mà giờ lại trách em là cớ làm sao? Pháp luật chỉ bắt người nói dối chứ chẳng bắt ai vào tù vì tội nói thật cả”. Lưu đến bó tay với cách trả lời của vợ. Không biết cô ấy còn phát tác bao nhiêu lần với cái kiểu nói thật dại miệng này nữa. Anh nghĩ chắc mình còn xanh mặt dài dài.

Chuyện Chọn Đàn Ông

Chọn một người đàn ông đẹp trai hào hoa thì phải chấp nhận anh ấy phong lưu

Chọn một người đàn ông biết kiếm nhiều tiền để được hưởng thụ thì phải chấp nhận anh ấy ít có thời gian chăm sóc cho gia đình.

Chọn một người đàn ông ở nhà chăm sóc gia đình thì phải chấp nhận anh ấy không biết kiếm nhiều tiền.

Chọn người đàn ông ngoan hiền, biết vâng lời thì phải chấp nhận anh ấy là trẻ con.

Chọn một người đàn ông mạnh mẽ, kiên cường thì phải chấp nhận anh ấy ngang ngược.

Chọn một người đàn ông giỏi giang và bản lĩnh thì phải chấp nhận anh ấy gia trưởng.

Chọn một người đàn ông phong trần thì phải chấp nhận anh ấy lãng tử, phiêu lưu.

Chọn một người đàn ông "nữ tính" thì phải chấp nhận anh ấy có tính "đàn bà".

Làm gì có đàn ông nào vừa ngoan, hiền, vâng lời, ở nhà quanh quẩn với gia đình, không biết ăn nhậu, không quan hệ bạn bè mà kiếm nhiều tiền cho gia đình vợ con hưởng thụ sung sướng. Miễn là đừng gặp phải đàn ông vô dụng là được.

Cái gì cũng có cái giá của nó mà. Hãy vì hai chữ hạnh phúc mà chấp nhận sự tương đối. Hạnh phúc ở tại lòng ta mà, đừng suy diễn, đừng tự làm khổ chính mình , chỉ cần một người đàn ông tử tế và trách nhiệm là đủ.

#cuocsonggiadinhlamchame

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

7 cách cắt giảm chi tiêu thời khó khăn

Dưới đây là 7 cách cắt giảm chi tiêu hữu ích của 7 người phụ nữ được đăng trên tạp chí SPH ở Singapore.

1. Sử dụng giao thông công cộng

“Tôi mới bán ô tô rồi, vì nó không hữu ích nữa. Hàng tháng tôi phải chi ít nhất 1.000 USD cho chi phí sửa chữa, đỗ xe, xăng dầu, thuế đi đường, bảo hiểm…Bây giờ tôi chuyển sang đi xe buýt hay tàu điện ngầm, đôi khi đi taxi. Như thế chi phí đi lại hàng tháng chỉ còn 65 USD” – chị Anusha Raj, 35 tuổi, nhà nghiên cứu.

2. Giảm tiền điện thoại

“Tôi trước đây rất hay gọi điện và nhắn tin, mỗi tháng phải trả hóa đơn đến 200 USD. Từ năm ngoái tôi không đi làm bán thời gian nữa thì tôi nhận thấy phải tiết kiệm hơn. Giờ thì tôi cố gắng nhắn tin và gọi điện ít đi. Thay vào đó, tôi yêu cầu gia đình và bạn bè gọi điện cho tôi và tôi cũng không nghe những cuộc gọi không cần thiết. Hóa đơn điện thoại của tôi giờ không vượt quá 80 USD/tháng” – chị Corrine Ji, 25 tuổi, nhà nhiếp ảnh tự do.

3. Tập đi bộ thay cho đến phòng tập

“Tôi đã đến phòng tập thể dục được 2 năm nay. Tôi bỏ ra hẳn 2.000 USD để mua vé tập 2 năm. Đôi khi công việc bận rộn quá, cả tuần tôi mới đi tập được một lần, thật là lãng phí. Khi hết hạn vé tập 2 năm, tôi quyết định tập đi bộ trong công viên gần nhà thay cho đến phòng tập. Hàng ngày đi bộ như thế vừa ngắm cảnh vừa hít thở không khí trong lành, mà lại tiết kiệm” – chị Kat Chen, 34 tuổi, phóng viên tự do.

4. Bỏ bớt đi du lịch

“Tôi rất thích đi du lịch, càng xa càng tốt. Mỗi năm tôi đi 2 lần, mỗi lần mất đến 5.000 USD trong 2 tuần. Nhưng giờ đây tôi tiết kiệm chi tiêu, hạn chế đi du lịch cuối tuần. Không bao giờ chi quá 1.000 USD cho một chuyến đi. Tôi ít ở khách sạn 3 sao và resort hơn mà vẫn thấy thoải mái.” – chị Vanessa Jalleh, 28 tuổi, nhà phân tích nghiên cứu.

5. Tiết kiệm điện

“Tôi không bật điều hòa nhiệt độ khi ngủ nữa mà dùng quạt thôi. Mới đầu cũng thấy bất tiện nhưng 2 tháng sau rồi cũng quen. Giờ tôi chỉ dùng điều hòa nhiệt độ khi quá nóng. Thậm chí tôi hẹn giờ 5 giờ sau tự tắt. Hóa đơn tiền điện của tôi đã giảm đi một nửa” - chị Fairuz Aloweni, 35 tuổi, giáo viên.

6. Giảm bớt mua sắm

“Mua sắm từng là sở thích của tôi. Mỗi tháng tôi tiêu ít nhất 600 USD cho mua sắm quần áo, túi, giày, đồ trang sức… Giờ tôi phải tiết kiệm. Tôi mỗi tháng chỉ tiêu trong giới hạn 200 USD. Tôi chỉ mua thứ tôi cần. 2-3 tháng tôi mới đi mua sắm một lần và không tiêu quá 300 USD.” – chị Sue Rasi, 45 tuổi, thư ký.

7 Giảm chi tiêu ăn uống

“Tôi và bạn bè hay hàng tuần đi ăn tự chọn. Mỗi lần đi ăn tốn 40 – 200 USD/người. Gần đây tôi tham khảo ý kiến của một nhà quản lý tài chính về cắt giảm chi tiêu. Tôi quyết định “ăn đẻ sống chứ không sống để ăn nữa”. Mỗi tháng tôi chỉ đi ăn tự chọn một lần, mỗi lần không tiêu quá 100 USD” – chị Sharan Kaur, 34 tuổi, nhà quản lý kinh doanh.

Theo Cẩm Mai - Dân Việt/Her World Plus

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Hội Các Mẹ Mục Tiêu Tài Chính Năm 2016 Phải Đặt 300tr

TÌNH HÌNH LÀ THẾ NÀY CÁC MẸ Ạ!

TỚ THẤY CÁC MẸ ĐẶT RA MỤC TIÊU MÀ TỚ NÃO LÒNG QUÁ, CŨNG BỤNG BẢO DẠ THEO CÁC MẸ ĐẶT MỤC TIÊU, TUY NHIÊN HEEEEE CÁI TÍNH HOANG PHÍ, ĂN NGON, MẶC ĐẸP, TIÊU VÔ TỘI VẠ CỦA TỚ NÊN LÀ MỤC TIÊU VỀ ĐÍCH =O.

QUYẾT TÂM CAO, BẮT ĐẦU TỪ THÁNG 1-2016 LẤY LƯƠNG SẼ NGHĨ NGAY TỚI MỤC TIÊU THI ĐUA XEM AI VỀ ĐÍCH SỚM HAAA. Cố gắng tiết kiệm thôi.
CẢ NHÀ CÙNG VÀO ĐÂY ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC TIÊU ĐI NÀO... KHOẢN NÀY LÀ TỚ CHO VÀO QUỸ ĐEN LUÔN CỐ LÊN .........
#taichinhgiadinhlamchame

5 Triệu Đồng Và Cách Chi Tiêu 'đáng Nể' Của Bà Mẹ Đơn Thân

Là mẹ đơn thân, có con gái 3 tuổi, lương chỉ 5 triệu đồng một tháng, nhưng mẹ con mình vẫn sống tốt ở một thành phố lớn.

Gần đây, mình có lên mạng, đọc nhiều chia sẻ của chị em về chi tiêu gia đình, có những nhà tổng thu nhập lên đến 20-25 triệu nhưng vẫn thiếu, hụt.

Là mẹ đơn thân, có con gái 3 tuổi, lương chỉ 5 triệu đồng/ tháng, nhưng mẹ con mình vẫn sống tốt ở một thành phố lớn. Không những vậy, hàng tháng vẫn để tiết kiệm được một khoản tiền nhất định để phòng khi có việc đột xuất hay ốm đau.

[​IMG]
Không những đủ chi tiêu, mà tôi còn có một khoản nhỏ tiết kiệm hàng tháng.

Có lẽ nghe mình nói như vậy, mọi người sẽ hoài nghi, thậm chí có thể nói, mình có sự hỗ trợ hoặc một nguồn thu nhập nào đó. Nhưng thực tế, hai mẹ con mình không có bất cứ sự hỗ trợ nào, ngoài việc không phải thuê nhà ở. Vì bố mẹ đẻ, sau khi thấy hoàn cảnh của mình, đã cố gắng tích cóp mua cho hai mẹ con một căn nhà nhỏ 27m2.

Ban đầu, khi mới bước chân vào cuộc sống tự lập, mình cũng bỡ ngỡ, hết thiếu chỗ nọ, hụt chỗ kia. Thậm chí, có vài chục triệu vốn liếng tích cóp thời thanh niên cũng tiêu pha hết. Cho đến khi phải vay mượn, nhờ vả người thân thì mình mới nhận ra được mấu chốt của chi tiêu chính là việc ‘liệu cơm khắp mắm’ và ‘khéo ăn thì no, khéo co thì ấm’.

29 tuổi, bước vào cuộc sống của một bà mẹ đơn thân, là điều bất đắc dĩ, và hoàn toàn không phải mong muốn của mình. Cho đến tận bây giờ, mình chỉ biết nói ‘đó là số mệnh của mình mà thôi’. Mình luôn tự thấy, bản thân còn may mắn hơn rất nhiều người, vì có công việc, thu nhập ổn định. Mình làm nhân viên hành chính văn phòng của một công ty tư nhân. Với mức lương cố định 5 triệu đồng một tháng và dĩ nhiên, lễ, Tết cũng có những chế độ thưởng, hỗ trợ khác.

Sau một thời gian dài bỡ ngỡ, thì mình đã lên cho mình một kế hoạch chi tiêu khá chặt chẽ. Theo mình, nó không phải thoải mái, xông xênh nhưng cũng đủ cho hai mẹ con cuộc sống tạm ổn hoặc ít nhất, khiến mình tự làm chủ được cuộc sống và đủ sức để lo cho con. Một điều may mắn nữa, đó chính là ông trời ban cho mình một cô bé khỏe mạnh, cứng cáp nên mình mới có thời gian cho công việc, có thể tự sắp xếp cuộc sống của mình.

Với thu nhập 5 triệu đồng mỗi tháng, mình chia thành 3 khoản chi: Chi tiêu cho con, chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày và khoản dành để tiết kiệm phòng thân.

[​IMG]
Bằng cách chia thành các khoản cố định, mình có thể kiểm soát được chi tiêu.

1. Chi tiêu cho con

Do điều kiện, nên mình lựa chọn cho con học ở trường mầm non công lập, cả tiền học phí và tiền ăn mỗi tháng 750.000 đồng mình thấy vẫn ổn và ngoài giờ làm, mình gần như dành hết thời gian để bên cạnh, chăm sóc con. Nên trộm vía, gái nhà mình vẫn tăng cân, phát triển tốt, so với các bạn cùng trang lứa.

Cụ thể: tiền bán trú 180.000 đồng/tháng + học phí 90.000 đồng/tháng+ 22.000/ngày ăn x 22 ngày= 484.000 đồng. Tổng tiền ăn, học của con là 754.000 đồng/tháng.

Tiền sữa: Con nhà mình dùng mỗi tháng 1 hộp 900 gram giá 230.000 đồng. Ngoài ra, mỗi ngày, con mình còn uống thêm 1 hộp sữa tươi bé hoặc 1 hộp sữa chua, khoảng 5.000 đồng x 30 ngày = 150.000 đồng.

Tiền hoa quả: Mùa nào thức ấy, mình mua cho rẻ. khoảng 100.000 đồng/tháng.

Tiền mua đồ chơi, đi khu vui chơi của con: Tháng nọ bù tháng kia, dao động khoảng 200.000 đồng/ tháng.

2. Khoản chi tiêu sinh hoạt

Vì mình đi làm suốt ngày, nên mẹ con chỉ ăn một bữa tối ở nhà. Hơn nữa, với bé con nhà mình, thì không đòi hỏi thức ăn phải cầu kỳ. Hai mẹ con chỉ cần 1 món mặn và 1 món canh là đủ. Món mặn của mẹ con mình thường là trứng, thịt, tôm, còn canh thường là canh cua, ngao. Nên mỗi ngày khoảng 40.000 đồng x 30 ngày = 1.200.000 đồng. Còn bữa sáng, bữa trưa mình tự nấu cơm mang đến cơ quan, tận dụng đồ ăn ở nhà.

Tiền điện, nước, ga: 200.000 đồng/tháng (tính theo tháng nhiều nhất). Vì thường mẹ con mình chỉ dùng hết 120.000 tiền điện, 30.000 đồng tiền nước.

Tiền dầu ăn, nước mắm: 50.000 đồng (1 lít dầu ăn + 1 chai nước mắm 300ml).

Xà phòng + kem đánh răng + sữa tắm: 50.000 đồng.

Tiền điện thoại, xăng xe: 300.000 đồng.

Tiền cưới xin, hội, đám: 500.000 đồng (tháng nọ bù tháng kia).

Tiền mua sắm của hai mẹ con: 500.000 đồng/ tháng.

3. Khoản tiết kiệm

Mình mỗi tháng để 500.000 đồng phòng lúc ốm đau, có việc gấp.

Ngoài khoản thu nhập cố định hàng tháng, công ty mình còn các khoản thưởng Tết, thưởng quý và khen thưởng cá nhân xuất sắc… số tiền thưởng ấy, cộng với khoản chi tiêu hàng tháng thừa lại, mình tích lũy để mua sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình, hoặc cho vào tài khoản tiết kiệm cho con học hành sau này.

Dù mức thu nhập hàng của mình không cao so với mặt bằng nhưng thiết nghĩ, với cách phân bổ chi tiêu như trên, mẹ con mình vẫn có cuộc sống đàng hoàng, không bị động, bấn loạn vì thiếu tiền. Và hơn hết, có thể tự lo được cuộc sống cho mình, không phải nhờ vả hay vay mượn mọi người.
#taichinhgiadinhlamchame #tietkiemchitieu

Nguồn: VietNamnet